Đầu óc thoải mái, có nhiều thời gian hơn, sống thật với bản thân là những lợi ích khi cai nghiện mạng xã hội.
Ines là một người nghiện mạng xã hội và thường xuyên bị xao nhãng bởi chúng. Cô quyết tâm cai nghiện bằng cách sống không có mạng xã hội trong một tuần.
Bắt đầu từ thứ hai tuần rồi, Ines xóa hết các ứng dụng Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat, Pinterest, LinkedIn trên điện thoại và đăng xuất khỏi tất cả tài khoản trên máy tính.
Ines cố gắng thoát khỏi vòng xoáy của mạng xã hội. Ảnh: The Next Web |
Thử thách
Ngày đầu tiên của Ines rất khó khăn. Cô liên tục nhấp vào đường dẫn Twitter được đánh dấu trên Chrome hoặc gõ facebook.com với hi vọng có thông báo nào đó hiện ra. Đương nhiên chẳng có gì vì cô đã xóa hết trước đó.
Sáng thứ ba cũng khá khó khăn, nhưng đã nhẹ nhàng hơn nhiều. Ines không ngờ việc chẳng có thông báo nào hiện lên trên điện thoại lại khiến cô cảm thấy thoải mái. Thời gian tiết kiệm được khi không lên mạng cô dùng vào việc đọc báo và xem tivi.
Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn vào những ngày sau đó. Thứ tư, Ines thậm chí không kiểm tra điện thoại vào bữa tối hay giữa các cuộc nói chuyện. Cô cũng ít chụp ảnh hơn do không có nhu cầu chia sẻ.
Tới thứ năm, nỗi sợ bỏ lỡ thông tin khi không kiểm tra Facebook và Twitter đã hoàn toàn biến mất.
Vào thứ sáu, Ines cảm thấy cuộc sống không có mạng xã hội thật yên bình. Thời gian trước đây cô dùng để lướt mạng bây giờ có thể sử dụng vào nhiều việc khác. Việc đăng nhập lại vào các tài khoản giống như sự ép buộc hơn là nhu cầu.
Facebook gởi thông báo cho Ines qua thư điện tử. Ảnh: The Next Web |
Điều chúng ta thực sự khao khát là gì?
Các mạng xã hội được lập trình để thường xuyên hiện ra chủ đề mà người dùng ưa thích. Mọi người biết điều này nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của nó. Đối với Ines, thuật toán mới của Twitter, hiển thị tất cả các tweet được thích bởi bạn bè, khiến cô liên tục tải lại trang. Hay như Facebook, các meme trên đây gây nghiện cho Ines. Cô dần nhận ra Facebook đã trở thành ngôi nhà số cho tin tức và meme.
Nhu cầu cập nhập thông tin trên mạng xã hội đã trở thành cơn nghiện. Theo thống kê của Facebook, một người trung niên kiểm tra điện thoại khoảng 30 lần một ngày. Con số này ở giới trẻ là 150.
Giống như mọi chất gây nghiện khác, việc dành thời gian lên mạng quá nhiều khiến chúng ta thay đổi cách cư xử và phản ứng với người khác. Giới trẻ là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Họ thừa nhận bản thân dành nhiều thời gian lên mạng hơn mức cần thiết, dẫn tới nhu cầu được người khác chấp nhận và dần đánh mất chính mình.
Kết luận
Ines chia sẻ rằng khi kết thúc 5 ngày cai nghiện, cô cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Thời gian tiết kiệm được cô dành cho những việc khác như học tập và thư giãn. Khả năng tập trung của cô cũng tốt hơn bao giờ hết. Tất cả những điều trên giúp Ines đặt mục tiêu cai nghiện thường xuyên và lâu dài hơn.
Mạng xã hội là một phần của cuộc sống. Nhưng cũng như những thứ khác, chúng chỉ mang lại lợi ích khi sử dụng đúng mực.
Theo Gia Minh (Tri Thức Trực Tuyến)